Thời nay, việc một ca sĩ làm show riêng trở nên phổ biến bao nhiêu thì một đoàn ca múa làm show thương mại lại hiếm hoi bấy nhiêu.
Cách làm chương trình phổ biến của các đoàn ca múa là đứng ra tổ chức, mời các ngôi sao tên tuổi bên ngoài để có sức hút bán vé, diễn viên của đoàn tham gia chủ yếu ở vai trò thêm nếm. Riêng với chương trình Hà Nội- Xưa và nay, Ca múa nhạc Thăng Long sẵn sàng đương đầu với thị trường bằng cây nhà lá vườn.
Hà Nội- Xưa và nay là phép thử của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Lãi lời chưa biết nhưng xem ra những thành quả nghệ thuật của họ đã gặp được khán giả. Những diễn viên sung sức nhất của Nhà hát dàn quân có khi chật cả sân khấu. Sao khách mời có mỗi Mỹ Linh. Chị hát lại những hit xa xưa Trên đỉnh phù vân, Hà Nội đêm trở gió và cùng giám đốc nhà hát Tấn Minh song ca Mong anh về của Dương Cầm- nhạc sĩ trẻ được giao vai trò đạo diễn âm nhạc cho chương trình. Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự đóng góp của các đối tác bên ngoài như biên đạo múa Trần Ly Ly hay đạo diễn Hoàng Công Cường… Những người không bàn đến cat-xê khi đến với một chương trình đậm chất chơi như Hà Nội- Xưa và nay.
Ngay từ phút mở màn, khán giả đã bị hút vào sân khấu thể hiện cảnh phố phường Hà Nội với hàng loạt diễn viên đóng đủ các nhân vật thường bắt gặp thuở xưa ở nơi Kẻ Chợ. Mượn chủ đề Hà Nội, đêm diễn tập hợp những tác phẩm tiêu biểu nhất của Ca múa nhạc Thăng Long từng đoạt giải cao trong các kỳ Hội diễn chuyên nghiệp trong nước, đôi khi có cả giải quốc tế như hai tiết mục múa Tễuvà Thiền.
Để đưa được Trên đỉnh phù vân vào, MC Lê Anh phải kể chuyện các vua Trần dù chưa già thì đã nhường ngôi để lên Yên Tử đi tu, vừa chăm lo đời sống tâm linh cũng là coi giữ bờ cõi. Âu cũng là một cách để dắt dây thêm múa Thiền. Đây là tiết mục đẹp mắt, nội dung sâu sắc. Khó mà tin rằng ba vũ công lại là những nghệ sĩ hip-hop đường phố được NSƯT Mạnh Tiến mời vào chương trình. Khán giả liên tục vỗ tay cho những tư thế kết hợp khó được họ xử lý nhẹ như không
Màn độc diễn của Hà Tứ Thiên trong Tễu cũng lấy được cảm xúc và những tràng vỗ tay của khán giả nhưng rất tiếc đã bị cắt bớt thời lượng nên hiệu quả không khỏi bị ảnh hưởng. Ngôn ngữ múa vốn đã có sự khác biệt, ở đây lại truyền tải những thông điệp đa chiều nên không khỏi bị bật ra khỏi tổng thể chương trình. Đúng hơn là không liên quan lắm tới chủ đề và cách dàn dựng theo kiểu dẫn chuyện mà nhà tổ chức đã chọn. Nếu đơn thuần chỉ là một chương trình nghệ thuật tổng hợp thì hát múa xen kẽ sẽ thoải mái hơn. Nhưng Thăng Long muốn đem lại một cái gì mà đa số khán giả chưa thấy bao giờ kia…
Một tiết mục có thể nói là xuất sắc nữa là Hóa vàng của nhạc sĩ Lê Mây qua phần thể hiện của NSƯT Thanh Thanh Hiền. Phải nói là nếu Nhà hát không tổ chức công diễn những tiết mục như thế là cả một thiệt thòi trước hết cho nghệ sĩ. Vì nếu không đến với chương trình này, nhiều người sẽ chỉ biết tới Thanh Thanh Hiền qua những tiểu phẩm hài bình dân và đơn điệu. Mà nếu trông vào đó thì cứ tưởng rằng nghệ sĩ đã cạn lửa nghề từ lâu. Hóa vàng từ một ca khúc vào tay Thanh Thanh Hiền, tất nhiên cả tay của đạo diễn, trở thành một màn trình diễn nhà nghề cô đọng hấp dẫn tổng thể từ giọng hát, vũ đạo đến diễn xuất. Sau chị, chắc còn lâu mới có người dám hát và dựng lại bài này.
Vấn đề là làm sao để xếp những món ngon vào một bàn tiệc. Ca múa nhạc Thăng Long đã gần như làm được điều đó. Buổi diễn ra mắt mặc dù còn những vấn đề chưa ưng ý về âm thanh, ánh sáng nhưng đã là một thành công bước đầu khi kéo được khán giả đến rạp và ngồi lại
đến hết.
Theo báo Tiền Phong