Tối 30-11, lần đầu tiên Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long ra mắt một chương trình nghệ thuật bán vé mang tên “Hà Nội xưa và nay”, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô. Đây là dấu mốc quan trọng mở ra trang mới cho đơn vị nghệ thuật của Thủ đô. Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Tấn Minh về nội dung chương trình và hướng đi sắp tới của nhà hát.
– “Hà Nội xưa và nay”, nghe tên đã thấy dáng dấp của Thăng Long – Hà Nội, nơi mà nhà hát đứng chân. Nghệ sĩ có thể giới thiệu đôi nét về chương trình?
– Chương trình có nội dung xuyên suốt, tôn vinh những giá trị truyền thống và đương đại của Thăng Long – Hà Nội qua nghệ thuật ca múa nhạc. Chúng tôi chia chương trình thành ba phần, diễn giải về Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại. Trong đó có hát xẩm, ca trù, nhạc nhẹ, múa dân gian và cả hip hop. Nhiều tiết mục đã đoạt giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn trong nước và quốc tế. “Hà Nội xưa và nay” có sự tham gia của toàn bộ lực lượng tinh nhuệ của nhà hát như Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Anh Tú, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Thanh Hiền, NSƯT Mạnh Tiến, nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Khánh Linh, Minh Thu, Lô Thủy, Đông Hùng, dàn múa, dàn hòa tấu nhạc cụ… Bản thân tôi cũng biểu diễn. Ngoài ra, chương trình còn có khách mời là ca sĩ Mỹ Linh.
– Là sự chọn lọc từ những tiết mục đã thành công của nhà hát, vậy làm thế nào để “Hà Nội xưa và nay” khác biệt so với những chương trình của mình trước đây và những chương trình nghệ thuật đang nở rộ?
– “Hà Nội xưa và nay” không phải là một sự chắp nối thông thường mà có mạch chuyện, có ý tứ. Nó như một sự cô đọng lại chính con đường nghệ thuật mà nhà hát đã định hình bấy lâu. Chương trình đưa người xem cảm nhận đầy đủ nét tinh túy của nghệ thuật truyền thống, thấy chúng hòa quyện nhuần nhị với nghệ thuật đương đại, không xa lạ với đời sống bây giờ. Mỗi tiết mục là một sự lao động nghiêm túc, đau đáu và có trách nhiệm với nghề của nghệ sĩ. Ví dụ ở tiết mục “Thiền” do NSƯT Trần Ly Ly biên đạo, trong tuần đầu tập luyện, các nghệ sĩ cứ 15 phút lại chạy ra vì… khó chịu trong người. Bởi để chuyển tải được nội dung của tiết mục, nghệ sĩ phải dồn hết tâm sức, vận động cơ thể và vắt kiệt mình. Mất mấy tháng, tiết mục mới hoàn thành.
– Vì sao ca sĩ khách mời duy nhất trong chương trình lại là Mỹ Linh?
– Vì Mỹ Linh hát được cả nhạc nhẹ và dân gian đương đại bằng một tâm hồn rất Hà Nội, hợp với chương trình này. Cá nhân tôi đánh giá Mỹ Linh là một tài năng quý hiếm, với giọng hát tuyệt vời.
– Sau bao nhiêu năm thường dàn dựng và biểu diễn các chương trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, vì sao Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long lại có bước chuyển là xây dựng chương trình
bán vé?
– Đây là yêu cầu tất yếu khi nhà hát chuẩn bị tiến tới tự chủ, đã đến lúc phải bước vào thị trường. Sau một thời gian thực hiện nhiều chương trình bên ngoài, nhân sự nhà hát đã trưởng thành, cứng cáp. Chúng tôi mong mỏi thực hiện những sản phẩm nghệ thuật mang màu sắc văn hóa dân tộc, có ảnh hưởng đến đời sống, khẳng định thương hiệu Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. “Hà Nội xưa và nay” là sự khởi đầu một trang mới của nhà hát.
– Sau đêm 30-11, “Hà Nội xưa và nay” sẽ diễn thường xuyên hay nhà hát tiếp tục dàn dựng những chương trình khác và bán vé?
– Chúng tôi sẽ đưa “Hà Nội xưa và nay” đến các sân khấu khác ở thành phố như Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ… Quan trọng hơn, chúng tôi có ý định hướng tới biểu diễn phục vụ khách du lịch. Đây là một trong các chương trình nằm trong kế hoạch đó, nhưng nó sẽ được cô gọn hơn.
– Nghệ sĩ có thể nói rõ hơn về dự định biểu diễn phục vụ khách du lịch của nhà hát?
– Đó là kế hoạch năm 2018, sau khi chúng tôi sửa xong rạp ở 31 Lương Văn Can, Hà Nội, sẽ biểu diễn định kỳ, phục vụ khách theo tour hoặc khách tự do. Ngoài các chương trình thiên về nghệ thuật truyền thống, chúng tôi sẽ tổ chức những buổi diễn theo chủ đề, như hát về Hà Nội, hát về mùa thu hay đêm nhạc Trịnh Công Sơn, Phú Quang…
– Trân trọng cảm ơn NSƯT Tấn Minh!
Theo báo Hà Nội Mới